Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển: Kết nối – nâng cao năng lực tiếp cận nước sạch, nước uống học đường các vùng nông thôn và miền núi

(VTĐKTVN) – Để tiếp tục kết nối và lan tỏa Dự án: “Các hoạt động địa phương Việt Nam vì sức khỏe môi trường” dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) từ năm 2017, sáng 19/3/2021, tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Hòa Bình, Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) do TS. Nguyễn Kiều Cương Giám đốc Dự án phối hợp cùng với các đối tác có buổi làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường, NGƯT, ThS. Quách Thắng Cảnh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng đồng chủ trì buổi làm việc.

Đại diện nhóm Dự án và Lãnh đạo nhà trường tại buổi Thảo luận

Tham dự có các chuyên gia, cán bộ Dự án và đại diện các đối tác của Viện PHAD; đại diện Ban Giám hiệu, Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên và Văn phòng trường phổ thông DTNT THPT tỉnh Hòa Bình.

Mục tiêu của buổi làm việc nhằm kết nối, tổ chức truyền thông nâng cao năng lực các tổ chức địa phương tăng cường tiếp cận nước sạch, nước uống học đường cho cộng đồng tại các vùng nông thôn và miền núi. Cụ thể là phối hợp triển khai truyền thông “Đại sứ Nước 2021”. Thông qua Chương trình truyền thông, huy động nguồn lực xây dựng trạm xử lý, cấp nước cho một số trường học thuộc các tỉnh miền núi, trong đó có những trường học còn nhiều khó khăn của tỉnh Hòa Bình.

Chương trình truyền thông “Đại sứ Nước 2021” là sự tiếp nối thành công của chuỗi hoạt động truyền thông “Đại sứ nước” tại các trường học trên địa bàn các tỉnh: Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Nội,… được triển khai từ năm 2018, đặc biệt là Chương trình Chung kết “Tìm kiếm Đại sứ Nước 2020” tại trường THCS Nguyễn Du (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vào ngày 7/12/2020 đã có sức lan tỏa mạnh mẽ. Thông qua Chương trình Chung Kết năm 2020, Trường THCS Nguyễn Du đã huy động đủ nguồn lực xây dựng một trạm cấp nước học đường công suất 5mét khối/8 giờ tại điểm trường mầm non và tiểu học Bản Thác Tình, thị trấn Tam đường, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Đại diện phía nhà trường phát biểu ý kiến

Sau khi nghe đại diện Viện PHAD báo cáo mục tiêu, kế hoạch, kết quả giai đoạn đầu của Dự án và nghe các ý kiến chuyên gia, ý kiến của cán bộ Dự án, NGUT, ThS. Quách Thanh Cảnh, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường phổ thông DTNT THPT tỉnh Hòa Bình đánh giá cao mục tiêu và ý nghĩa xã hội của Dự án, cùng với những đóng góp thiết thực đối với việc nâng cao năng lực các tổ chức địa phương, tăng cường tiếp cận nước sạch, nước uống học đường cho cộng đồng tại các vùng khó khăn ở nông thôn và miền núi; nhất là việc thông qua chương trình truyền thông để huy động nguồn lực xã hội tham gia giúp đỡ xây dựng các trạm xử lý, cấp nước cho một số trường vùng nông thôn, miền núi như đã triển khai ở Hà Nam, Thanh Hóa, Lai Châu, Hà Giang,… Đây là hoạt động có ý nghĩa xã hội sâu sắc, vừa khắc phục nguồn nước sinh hoạt an toàn cho cộng đồng, vừa giảm bớt gánh nặng ngân sách địa phương cần được nhân rộng.

Thay mặt Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, NGUT Quách Thắng Cảnh bày tỏ sự đồng thuận và ghi nhận cùng tham gia hợp tác với Viện PHAD tổ chức Chương trình truyền thông “Đại sứ Nước 2021” tại trường theo đề xuất của Viện vào trung tuần tháng 5/2021. Căn cứ vào kết quả của Chương trình truyền thông, nhà trường không ngoại trừ việc huy động nguồn lực xã hội tăng cường cải tiến, lắp đặt mới hệ thống cấp nước sạch đủ quy chuẩn phục vụ học sinh và cán bộ, giáo viên của trường.

Hai bên cùng thống nhất kế hoạch do phía Viện PHAD đề xuất. Trước mắt, tập trung hoàn thiện các thủ tục hành chính; hoàn thiện, nâng cao chất lượng kịch bản và các khâu chuẩn bị khác để Chương trình truyền thông “Đại sứ Nước 2021” được triển khai đạt kết quả cao nhất.

Trước đó, chiều ngày 18/3 Viện PHAD cũng có buổi làm việc cùng nội dung trên với TrườngTHCS Thanh Xuân, Quận Nam Từ Liêm Hà Nội và cũng nhận được sự tin tưởng cũng như kết quả đồng thuận cao từ phía lãnh đạo nhà trường và Ban Đại diện cha mẹ học sinh của trường.

Bác sĩ CK2 Nguyễn Trung Chiến – Giám đốc kỹ thuật dự án phát biểu ý kiến

Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Hòa Bình tiền thân là Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình, là một trường trung học phổ thông tại phường Tân Hòa, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Ngày 17/8/1962, trường được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, với lời dặn dò sâu sắc: “Phải: Học tập tốt, lao động tốt. Cố gắng mãi, tiến bộ mãi!”. Những năm gần đây, trường có 91 giáo viên với trên 600 học sinh trong 23 lớp, trong đó chủ yếu là học sinh DTTS.
Nhà trường có trên 80% giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 16 giáo viên có trình độ chuyên môn thạc sĩ. Việc dạy và học của nhà trường luôn được nâng dần về số lượng và chất lượng một cách bền vững. Trong gần 30 năm qua (Giai đoạn 2), nhà trường đã đào tạo gần 5.500 học sinh DTTS tốt nghiệp THPT. Trong đó, nhiều em tiếp tục học đại học, cao đẳng trở thành cán bộ chủ chốt trong nhiều lĩnh vực ở địa phương và trong cả nước.
Vinh dự và tự hào trong 62 năm qua nhà trường đã được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều phần thưởng cao quý: 02 HCLĐ hạng Nhất; 02 HCLĐ hạng Nhì;  02 HCLĐ hạng Ba; 01Huân chương Độc lập. Danh hiệu: Đơn vị Anh hùng Lao động; nhiều Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bằng khen của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các bộ, ban, ngành khác. Nhà trường đã được công nhận “Trường đạt chuẩn Quốc gia” năm 2010. Được nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; các đoàn khách quốc tế đến thăm.

Đoàn làm việc chụp ảnh lưu niệm với Ban Lãnh đạo nhà trường

CÁC HOẠT ĐỘNG ĐỊA PHƯƠNG VIỆT NAM VÌ SỨC KHOẺ MÔI TRƯỜNG

 2017 – 2022 | ĐƠN VỊ THỰC HIỆN: VIỆN DÂN SỐ, SỨC KHOẺ VÀ PHÁT TRIỂN (PHAD) | KINH PHÍ DỰ TRÙ: 1,9 TRIỆU ĐÔ LA MỸ

Dự án “Các Hoạt động Địa phương Việt Nam vì Sức khỏe Môi trường” có mục tiêu tăng cường năng lực và củng cố quan hệ hợp tác giữa các tổ chức địa phương nhằm giải quyết các thách thức về sức khỏe môi trường một cách bền vững và thực tiễn thông qua mô hình làm để học. Dự án sẽ tập trung xử lý các vấn đề ô nhiễm nước tại Thanh Hóa và Hà Nam. Các mô hình thực hành tốt từ dự án sẽ được nhân rộng ra các địa phương khác.

PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI

Dự án hướng tới phát triển một Liên minh Nước và Sức khoẻ Việt Nam (VIWHA) với sự tham gia đa dạng của các tổ chức địa phương nhằm giải quyết các vấn đề về nước sạch và chia sẻ những mô hình thực hành tốt. Dựa trên các đối tác nòng cốt của Viện Dân số Sức khoẻ và Phát triển, Liên minh VIWHA sẽ có tính chất mở, linh hoạt, có thể mở rộng và thích ứng với các thách thức phát triển.

TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC

Dự án xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực của Liên minh Nước và Sức khoẻ Việt Nam và các thành viên liên minh trong việc tìm kiếm giải pháp và ứng phó hiệu quả với ô nhiễm nguồn nước và các thách thức khác về sức khỏe môi trường. Các cấu phần chính của hệ thống bao gồm cơ sở dữ liệu cập nhật về các bên liên quan, những vấn đề ô nhiễm nước mà họ gặp phải, bản đồ định vị các vấn đề ô nhiễm, cơ chế tài trợ nhỏ để hỗ trợ địa phương giải quyết các vấn đề ô nhiễm nước, bộ công cụ dựa trên mô hình làm-để-học để đánh giá, thực hiện, giám sát và học hỏi.

THÚC ĐẨY BỀN VỮNG

Dự án hướng tới tính bền vững của các giải pháp xử lý thách thức về sức khoẻ môi trường thông qua việc xây dựng và nâng cao năng lực của các tổ chức địa phương. Các vấn đề về sức khoẻ cộng đồng liên quan đến nguồn nước sẽ được giải quyết bằng việc áp dụng mô hình làm để học một cách hiệu quả và phù hợp, tăng cường các quan hệ đối tác và thông qua các chiến dịch vận động chính sách và pháp luật.

KẾT QUẢ MONG ĐỢI

Dự án “Các Hoạt động Địa phương Việt Nam vì Sức khỏe Môi trường” đảm bảo tính làm chủ của địa phương và huy động các bên liên quan tiến hành các hoạt động nhanh chóng và hiệu quả. Dự án đã tuyên truyền và tiếp cận cộng đồng nhằm mở rộng mạng lưới đối tác, tiến tới thành lập Liên minh Nước và Sức khoẻ Việt Nam trong tháng 9/2018. Những vấn đề ưu tiên liên quan đến ô nhiễm nước đã được xác định thông qua các đánh giá nhu cầu dựa vào cộng đồng, các hội thảo lập kế hoạch chiến lược và phân tích các bên liên quan được thực hiện phối hợp với cơ quan chính quyền và bên thụ hưởng tại 2 tỉnh Thanh Hóa và Hà Nam. 2 nguồn lực thay thế tại địa phương được xác định và có khả năng hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động của dự án đã được xác định. Kết quả mong đợi tổng thể của dự án là khởi xướng, phát triển và mở rộng một mạng lưới quốc gia bao gồm đa dạng các chủ thể tại địa phương có năng lực huy động nguồn lực, hợp tác chặt chẽ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *