Bệnh tiêu chảy, hội chứng lỵ và một số biện pháp phòng chống

Việc sử dụng nước không sạch là yếu tố nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, cũng như các bệnh lây nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng dân cư, đặc biệt là đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em và người già. Để tăng cường nhận thức về các bệnh tiêu chảy, hội chứng lỵ, bài viết xin được giới thiệu cho quý bạn đọc các thông tin cần thiết liên quan đến bệnh và các biện pháp phòng chống.

Thế nào là bệnh tiêu chảy và hội chứng lỵ

  • Bệnh tiêu chảy (tiếng địa phương là đi tướt) là tình trạng đi ngoài phân lỏng nhiều nước và từ ba lần trở lên mỗi ngày, hoặc đi ngoài phân lỏng nhiều nước dưới ba lần/ngày nhưng kèm theo ít nhất một trong các dấu hiệu sốt, đau bụng, nôn/trớ, mệt mỏi chán ăn, trẻ bỏ bú.
  • Hội chứng lỵ (còn gọi là bệnh kiết lỵ) là bệnh đi ngoài phân lỏng có nhầy, máu kèm theo đau quặn, mót rặn dọc theo khung đại tràng (bụng dưới, hông phải, hông trái) trước khi đại tiện.

Nguyên nhân gây bệnh

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy và hội chứng lỵ, trong đó có nguyên nhân do vi trùng (vi rút, vi khuẩn tả, vi khuẩn lỵ,…, các ký sinh trùng đường ruột), nguy hiểm nhất là tiêu chảy do phẩy khuẩn Tả (còn gọi là bệnh Tả). Bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm bẩn. Bệnh có liên quan chặt chẽ với điều kiện môi trường, nước, an toàn thực phẩm và thói quen vệ sinh của người dân.

Những người có nguy cơ cao dễ mắc bệnh tiêu chảy và bệnh lỵ:

  • Sử dụng nguồn nước không sạch (nước giếng khoan/giếng đào, nước mưa chưa qua xử lý;
  • Ăn thức ăn ôi thiu, thức ăn bị côn trùng (ruồi/gián) bâu đậu;
  • Uống nước chưa qua xử lý (lọc, đun sôi);
  • Không rửa tay trước khi ăn, trước khi chế biến thức ăn, trước khi vắt sữa, trước khi cho trẻ bú, cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi làm về, sau khi vệ sinh cho trẻ;
  • Sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh;

Một số biện pháp phòng chống bệnh tiêu chảy và hội chứng lỵ

Mọi người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh tiêu chảy, bệnh lỵ:

Tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường:

  • Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng với nước sạch tại các thời điểm quan trọng bao gồm: trước khi ăn, trước khi chế biến thức ăn, trước khi vắt sữa, trước khi cho trẻ bú, cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi làm về, sau khi vệ sinh cho trẻ;
  • Sử dụng nước sạch cho chế biến thức ăn, đun nấu thức ăn, nước uống và vệ sinh cá nhân;
  • Sử dụng nước sạch đã qua xử lý (lọc, đun sôi) để uống; 
  • Mỗi gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi; không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ; không sử dụng phân tươi, phân chưa xử lý đảm bảo vệ sinh để bón cây trồng;
  • Bảo đảm vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh.

Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm:

  • Mọi người, mọi nhà đều thực hiện ăn chín, uống sôi, không uống nước lã;
  • Không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn chưa được chế biến và nấu chín;
  • Chọn mua thức ăn từ nguồn thực phẩm tươi, sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng thực phẩm quá hạn sử dụng;
  • Các thức ăn đã nấu chín hoặc thức ăn còn dư, để từ bữa trước sang bữa sau phải được bảo quản tốt;  nếu chỉ sử dụng ngay sau một thời gian ngắn thì đậy lồng bàn, để nơi mát, thoáng gió; nếu muốn để lâu (vài tiếng trở lên) thì phải cho vào tủ lạnh, lưu ý tủ lạnh phải để ở mức độ đủ lạnh cần thiết;
  • Rửa tay bằng xà phòng với nước sạch trước khi chế biến thức ăn để đảm bảo không làm nhiễm mầm bệnh từ tay bẩn vào thức ăn;

Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch:

  • Nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của các gia đình phải được bảo vệ sạch sẽ, có nắp đậy, không để nguồn nước bẩn từ bên ngoài như chuồng trại chăn nuôi, cống rãnh, ao, hồ…) vào;
  • Nghiêm cấm xả chất thải, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường;
  • Cấm đổ phân, chất thải, nước giặt rửa và đồ dùng của người bệnh ra môi trường đất, nước (sông, suối, ao, hồ, mương máng).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *