Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/u694141449/domains/phad.org/public_html/localworks/waterhealth/wp-content/themes/benevolent-pro/inc/custom-functions.php on line 745
Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/u694141449/domains/phad.org/public_html/localworks/waterhealth/wp-content/themes/benevolent-pro/inc/custom-functions.php on line 746
Warning: Trying to access array offset on value of type bool in /home/u694141449/domains/phad.org/public_html/localworks/waterhealth/wp-content/themes/benevolent-pro/inc/custom-functions.php on line 747
Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong cả hai chỉ số kinh tế và y tế trong vài thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, nhiều xã thuộc vùng nông thôn tại Việt Nam, đặc biệt là các xã nghèo, tiếp tục đối mặt với những khó khăn và thách thức về các vấn đề phát triển. Trong những thách thức này, vấn đề về sức khoẻ có liên quan đến nước bao gồm các bệnh lây nhiễm như bệnh tiêu chảy, các bệnh ngoài da, bệnh về mắt, giun sán, và các bệnh không lây nhiễm như ung thư các loại, nhiễm độc chì, thủy ngân, asen, bệnh trầm cảm,… của cộng đồng, đặc biệt trẻ em và người dân tại các xã nghèo vùng nông thôn nổi lên như một vấn đề y tế công cộng nổi cộm và phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước, trong khi các giải pháp cần thiết và tổng thể hoặc là chưa có, hoặc là có nhưng rất đắt đỏ hoặc chưa phù hợp, còn các mô hình hỗ trợ sức khoẻ thì rải rác, quy mô nhỏ và không hiệu quả.
Theo thống kê, hiện Việt Nam đã có 87,5% số người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 49% số cư dân được sử dụng nước sạch theo QCVN 02:2009/BYT của Bộ Y tế. Điều đáng nói là cả nước hiện có 16.342 công trình cấp nước tập trung, trong đó chỉ có 33,5% công trình bền vững, còn lại 37,5% hoạt động trung bình, 16,7% hoạt động kém hiệu quả và 12% không hoạt động. Cá biệt, vùng núi và vùng sâu, vùng xa có tới 45,2% công trình cấp nước tập trung hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động, tiếp đó là miền núi phía Bắc với tỉ lệ 34,8% và đồng bằng sông Hồng là 18,1%. (Nguồn tham khảo: Kinh tế và dự báo)
Chính phủ cũng đã xác định tầm quan trọng của việc duy trì và bảo vệ sức khoẻ người dân thông qua nhiều văn bản quan trọng như “Chiến lược Bảo vệ Môi trường đến năm 2020 và Tầm nhìn 2030” (Quyết định 1216/QĐ-TTg ngày 5/9/2012), “Chương trình Mục tiêu Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn” (Quyết định 366/QĐ-TTg, ngày 31/2/2012), và gần đây là Quyết định 622/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017 phê duyệt và ban hành “Kế hoạch Hành động Quốc gia Thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc về sự Phát triển Bền vững”.
Trong bản Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững của Thủ tướng Chính phủ nói trên, con người được đặt là trung tâm của sự phát triển bền vững nhằm phát huy tối đa nhân tố con người với vai trò là chủ thể, nguồn lực chủ yếu, đồng thời cũng là mục tiêu của phát triển bền vững. Bản kế hoạch nhấn mạnh việc tạo điều kiện cho mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận các nguồn lực chung, và được tham gia đóng góp và hưởng lợi để tạo ra những nền tảng vật chất, tri thức và văn hóa tốt cho các thế hệ kế tiếp, đảm bảo không ai bị để lại phía sau. Bản kế hoạch cũng xác định khoa học kỹ thuật là nền tảng hỗ trợ và là động lực cho phát triển bền vững đất nước, và đặc biệt chú trọng phát triển công nghệ hiện đại, xanh, sạch, đẹp, và thân thiện với môi trường đồng thời ưu tiên sử dụng rộng rãi các công nghệ xanh trong các ngành sản xuất và đời sống.
Thực trạng về nước và sức khỏe ở một số vùng nông thôn Việt Nam
Hà Nam là một tỉnh nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng, phía Bắc tiếp giáp với Hà Nội, phía Đông giáp với tỉnh Hưng Yên và Thái Bình, phía Nam giáp tỉnh Ninh Bình, Đông Nam giáp tỉnh Nam Định và phía Tây giáp tỉnh Hòa Bình. Đến năm 2014, Hà Nam có tổng dân số 794.300 người với mật độ 923 người/km2. Theo báo cáo Môi trường Quốc gia 2012 “Báo cáo môi trường nước mặt” với số liệu được trích dẫn từ Bộ Y tế, Hà Nam đứng thứ 2 về các bệnh tiêu hóa có liên quan tới nước trong 5 tỉnh/thành thuộc lưu vực sông Nhuệ và là tỉnh có tỷ lệ nhiễm giun ở học sinh tiểu học đứng đầu cả nước (100%). Hơn nữa, làng Yên Lão thuộc xã Hoàng Tây, huyện Kim Bảng của tỉnh được biết đến như là một trong 10 “làng ung thư” ở Việt Nam, với số người chết do ung thư chiếm 60% tổng số người chết trong xã mỗi năm, đáng chú ý, tỷ lệ mắc chết ung thư cơ quan tiêu hóa chiếm cao nhất (37,5%), tỷ lệ nữ mắc ung thư tại làng Yên Lão 7/8 (87,5%).
Thanh Hóa là một tỉnh đông dân thứ 3 của cả nước và là một tỉnh nghèo của Việt Nam. Tương tự như làng Yên Lão của Hà Nam, theo báo cáo của Sở Y tế, làng Thổ Vỵ, xã Tế Thắng của huyện Nông Cống cũng được biết đến như là một trong 10 “làng ung thư” có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất của Việt Nam. Về tình hình bệnh tiêu chảy và kiết lị, báo cáo từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thanh Hóa cho thấy năm 2016, tổng số ca tiêu chảy và hội chứng lị, là những bệnh có liên quan đến việc sử dụng nước không hợp vệ sinh là 14.732 ca trong đó huyện Nông Cống có 762 ca tiêu chảy cấp và hội chứng lỵ, chiếm 0,25%. Trên toàn huyện giai đoạn 1992 – 2008 ghi nhận hơn 292 ca ung thư các loại. Huyện Hà Trung năm 2016 có 352 ca tiêu chảy và hội chứng lỵ, chiếm tỷ lệ 0,29%. Nông Cống và Hà Trung có ít hơn 10% dân số được sử dụng nước máy, còn lại đều sử dụng các nguồn nước bề mặt, nước mưa và nước giếng, đặc biệt các xã nông thôn tại hai huyện Hà Trung và Nông Cống 100% dân số chưa được sử dụng nước sạch.
Viện Dân số, Sức khoẻ và Phát triển (PHAD) nhận thấy việc thực hiện giải quyết những khó khăn thách thức về sức khoẻ và nước sinh hoạt ở địa phương chỉ có thể được giải quyết lâu dài và bền vững thông qua việc xây dựng năng lực tại địa phương cũng như việc tăng cường hợp tác giữa các cơ quan đoàn thể tại địa phương song hành với việc ứng dụng khoa học công nghệ và mô hình nhà nước, nhân dân, và doanh nghiệp cùng làm nhằm góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia đã được Thủ tướng nêu rõ trong bản kế hoạch phát triển bền vững đến năm 2030. Vì vậy, viện PHAD đã đề xuất dự án “Giảm Tỷ lệ các Bệnh đường tiêu hóa và Nâng cao Sức khoẻ của Người dân dựa vào Cộng đồng tại các xã vùng Nông thôn nghèo thuộc huyện Kim Bảng, Hà Nam, huyện Hà Trung và huyện Nông Cống, Thanh Hóa” với mục tiêu đưa ra một mô hình dựa vào cộng đồng nhằm hỗ trợ và nâng cao sức khoẻ, đặc biệt là giảm các bệnh tiêu hoá và các bệnh liên quan đến nước của người dân tại các xã nghèo vùng nông thôn của Việt Nam.