Vai trò của nước sạch trong cơ thể
Nước sạch là tài nguyên quý giá, nhưng không phải là vô tận. Nước là nguồn gốc và cần thiết cho sự sống của tất cả các sinh vật trên trái đất. Với con người, nước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể, đến 70 – 80% trọng lượng cơ thể. Một người trưởng thành có thể nhịn ăn trong vòng vài ngày, thậm chí vài tuần nhưng không thể không uống nước trong 3 – 4 ngày. Nước sạch có vai trò trong cơ thể như sau:
- Nước có khả năng cung cấp nguồn chất khoáng, vận chuyển chất dinh dưỡng cần thiết cho các tế bào, nuôi dưỡng tế bào trong mọi hoạt động trong cơ thể. Nước sạch mà hàng ngày chúng ta thường sử dụng có chứa rất nhiều các chất khoáng có lợi cho sức khỏe;
- Nước sạch được coi là dung môi sống của các phản ứng hóa học trong cơ thể, tham gia quá trình chuyển hóa và các phản ứng trao đổi chất nhằm xây dựng và duy trì tế bào. Các tế bào có thể hoạt động và thực hiện các chức năng của mình là do được hòa tan trong dung môi;
- Nước có khả năng đào thải các độc tố, các chất cặn bã mà các cơ quan, tế bào không thể hấp thu và được đưa ra ngoài thông qua đường nước tiểu và phân;
- Nước còn có khả năng ổn định nhiệt độ cơ thể, phân phối hơi nóng của cơ thể. Nước làm cơ thể giải phóng nhiệt độ khi nhiệt độ môi trường cao hơn so với nhiệt độ cơ thể;
- Ngoài ra nước còn có tác dụng bôi trơn nơi tiếp xúc với các đầu nối, bao hoạt dịch và màng bao, làm cho các khớp linh động. Nó còn có tác dụng giảm xóc cho mắt, tủy sống và kể cả thai nhi trong nước ối.
Khi cơ thể của chúng ta thiếu nước, hoặc dùng nguồn nước không sạch, toàn bộ tổ chức trong cơ thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm sẽ gây ra các bệnh về đường ruột như: tả, lỵ, thương hàn,…; các bệnh về da liễu, mắt, phụ khoa như: hắc lào, nấm, lang ben, ghẻ, chàm, đau mắt đỏ, đau mắt hột, viêm kết mạc, viêm màng tiếp hợp, viêm âm đạo,… Các bệnh này có thể lây bệnh sang người lành do nguyên nhân chính là thiếu nước và sử dụng chung nguồn nước bị ô nhiễm để sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm các kim loại nặng như asen, chì, thủy ngân, các hóa chất độc hại như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc sâu, thuốc diệt chuột,… sẽ gây nhiễm độc tích lũy dẫn đến nguy hại cấu trúc bộ gen của cơ thể gây nên các loại ung thư như ung thư đại tràng, ung thư gan, ung thư máu…, ngoài ra còn gây vô sinh, dị tật bẩm sinh, quái thai.
Ngoài nhu cầu cần thiết cho cơ thể của chúng ta, nước thực sự không thể thiếu trong sinh hoạt của con người từ chế biến thực phẩm, tắm, giặt,… cũng như hoạt động sản xuất trong nông nghiệp, công nghiệp để tạo ra các sản phẩm sạch. Do vậy nước sạch là yếu tố quan trọng quyết định sức khỏe của con người.
Khái niệm nước sạch và nguy cơ ô nhiễm
Nước sạch là nước trong, không màu, không mùi, không vị, không chứa vi sinh vật gây bệnh và các chất độc đảm bảo an toàn cho sức khỏe cho người dùng. Theo quy định của Bộ Y tế tại Việt Nam, tiêu chuẩn nước sạch dùng cho chế biến thực phẩm, nấu thức ăn, nước uống theo QCVN 01-1:2018/BYT và nước uống trực tiếp (không phải đun sôi) theo QCVN 6-1:2010/BYT.
Tuy nhiên, không phải ai cũng được tiếp cận và sử dụng nguồn nước sạch. Đa số người dân chỉ đánh giá nguồn nước sạch hay ô nhiễm bằng cảm quan mà không dựa trên cơ sở khoa học. Hiện nay, ở nước ta nguồn nước sạch mà người dân sử dụng phổ biến được chia làm 3 loại: 1) nước máy từ các nhà máy nước cung cấp được kiểm tra chất lượng định kỳ; 2) nước uống đóng chai và 3) nước đã qua xử lý bằng hệ thống lọc đã được công bố chất lượng.
- Nước giếng đào và giếng khoan chưa qua xử lý: Các nguồn nước giếng khoan, giếng đào đều có nguy cơ ô nhiễm bởi chất thải từ các trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, nước thải sinh hoạt, nước thải từ các nhà tiêu không hợp vệ sinh, các thuốc bảo vệ thực vật trong hoạt động nông nghiệp không thực hiện đúng nguyên tắc. Đặc biệt, mỗi khi mùa mưa lũ đến, toàn bộ nguồn nước này bị ô nhiễm trầm trọng. Một số hộ gia đình có xây bể lọc nước giếng, tuy nhiên các bể lọc không phù hợp với điều kiện nước địa phương và cũng rất đơn sơ nên chỉ thấy nước trong là được, còn các hóa chất độc hại, kim loại nặng cũng như vi sinh gây bệnh không thể giải quyết được. Một số ít hộ mua các loại máy lọc của các hãng Karofi, Kangaroo, Tân Á Đại Thành,… để lọc nước cho ăn, uống. Tuy nhiên không thực hiện đúng quy trình, lõi lọc quá thời hạn không thay nên chất lượng không đảm bảo. Một trong những nguyên nhân gây nhiễm bẩn nguồn nước của các gia đình là các bể trữ nước không đảm vệ sinh như bể nước không có nắp hoặc hở, côn trùng chui vào trú ngụ đào thải các chất bẩn vào nước, không có vòi nước hoặc mà sử dụng gầu (gáo) lấy nước không có giá để, thành bể bị nứt, nước bẩn từ bên ngoài thấm vào.
- Nước bình: Nước đóng chai, đóng bình được sản xuất phải đảm bảo chất lượng của Bộ Y tế quy định theo QCVN 6-1:2010/BYT, là nước sạch uống trực tiếp. Hiện tại một số gia đình và tất cả các trường học sử dụng nước bình. Tuy nhiên, chất lượng không được kiểm tra theo đúng định kỳ nên người dân và nhà trường không có thông tin chất lượng nước đóng bình. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ nước bình sẽ bị nhiễm các vi sinh vật như Coliform, trực khuẩn mủ xanh (P.aeruginosa).
- Nguồn nước mưa: Nước mưa là quá trình bốc hơi nước, ngưng tụ trên không trung khi gặp lạnh tạo thành hạt mưa. Bản chất nước mưa là nước sạch. Tuy nhiên, quá trình ngưng tụ có nguy cơ ô nhiễm các khí thải độc hại từ các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp như khí nitrit, nitrat, khí axit sulfuric, bụi cardimi, lưu huỳnh, clo,… đặc biệt vùng chuyên canh nông nghiệp nguy cơ nhiễm các hạt (aerosol) thuốc bảo vệ thực vật. Hơn nữa việc thu hứng nước mưa tại gia đình nếu không đúng quy trình sẽ dẫn tới ô nhiễm các chất bẩn từ mái hứng, máng thu và bể chứa.